GIỚI THIỆU CHUNG CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN KHOA HỌC MÁY TÍNH VÀ DỮ LIỆU TRONG KINH TẾ – KINH


Chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Dữ liệu trong Kinh tế – Kinh doanh tại Trường Đại học Ngoại thương được thiết kế nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng liên ngành; trang bị cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về máy tính, công nghệ, phân tích dữ liệu, nguyên tắc kinh tế và chiến lược kinh doanh. Sự kết hợp độc đáo giữa các ngành này sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm hiện đại và xu thế phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp.
Chương trình là sự kết hợp giao thoa giữa các lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ, khoa học dữ liệu, kinh tế và kinh doanh. Bằng cách trau dồi bộ kỹ năng linh hoạt, sinh viên sẽ được trang bị để giải quyết những thách thức phức tạp trong các ngành khác nhau. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia đóng góp có ý nghĩa ở môi trường kinh doanh ngày càng năng động và cạnh tranh.

MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình cử nhân Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế – kinh doanh là chương trình đào tạo định hướng ứng dụng nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức nền tảng về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu và kinh tế – kinh doanh; tích hợp với kiến thức, kỹ năng liên ngành, cũng như chuyên sâu trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu kinh tế – kinh doanh, lãnh đạo và quản lý kinh tế – kinh doanh, công nghệ và các lĩnh vực liên quan khác.
Sinh viên tốt nghiệp có tư duy phản biện và khả năng đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược, năng lực lãnh đạo, khả năng ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu vào việc phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh tế – kinh doanh. Sinh viên tốt nghiệp cũng có năng lực tự chủ và trách nhiệm, khả năng làm việc độc lập và khả năng học tập suốt đời.

CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ KHẢ NĂNG HỌC TẬP NÂNG CAO SAU KHI TỐT NGHIỆP
(1) Chuyên gia/chuyên viên công nghệ máy tính (Computer Technologist) như lập trình viên, chuyên gia/chuyên viên phát triển phần mềm, ứng dụng web, di động; chuyên gia/chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống thông tin,…
(2) Các nhà quản lý, điều phối dự án, các tổ chức/doanh nghiệp công nghệ thông tin
(3) Chuyên gia/chuyên viên phân tích dữ liệu kinh tế – kinh doanh (Economics and Business Data Analyst)
(4) Các nhà nghiên cứu, nhà tư vấn, giảng viên trong lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin, dữ liệu và kinh tế – kinh doanh

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP
Sinh viên cần tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự đọc tài liệu, làm việc nhóm trước khi đến lớp;
Sinh viên tự xây dựng cho mình một tiến độ học tập riêng phù hợp, đồng thời phải thay đổi cách học theo hướng coi trọng sự khám phá, đam mê học thuật; Học cách thức đi tới sự hiểu biết; Học cách tự học; Học kỹ năng thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp; Học phong cách độc lập, sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức và hành động;
Sinh viên phải biết kết hợp việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, khả năng ngoại ngữ, tin học để hỗ trợ học tập.
Đặc biệt là, thông qua các học phần áp dụng phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm như “Học theo tình huống – Case study”, “Mô phỏng – Simulations”, “Học tập theo dự án- PBL: Project-based Learning”, sinh viên tiếp cận tri thức thông qua việc chủ động khám phá những thách thức và vấn đề trong thực tiễn kinh doanh, đặt câu hỏi, khảo sát các phương án, lựa chọn và quyết định phương án tối ưu, phân tích đánh giá hiệu quả, từ đó tư duy mở rộng cho các vấn đề tương tự hoặc liên quan.

SỰ CẦN THIẾT MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO KHOA HỌC MÁY TÍNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
Thứ nhất, phát triển đào tạo ngành Khoa học máy tính là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về ngành này tăng mạnh trong thế kỷ 21. Ngành KHMT đang là ngành hàng đầu được các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam và trên thế giới tìm kiếm nhân tài
Thứ hai, thực tế các trường đại học Việt Nam đang mở rộng mạnh lĩnh vực đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu nhưng có rất ít trường đào tạo chuyên sâu về ứng dụng Khoa học máy tính và dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh.
Thứ ba, việc phát triển lĩnh vực khoa học dữ liệu và công nghệ, trọng tâm là phát triển ngành KHMT, chương trình đào tạo KHMT & DL trong kinh tế và kinh doanh là phù hợp với Chiến lược phát triển trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2040 ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/NQ – HĐT ngày 17/12/2021 của Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương.
Thứ tư, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên cũng như xây dựng các điều kiện về cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong lĩnh vực Khoa học máy tính và khoa học dữ liệu là khả thi để đáp ứng các điều kiện mở ngành Khoa học máy tính, chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính và khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Thứ năm, kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên ngành Khoa học Máy tính đã cho thấy những định hướng phát triển Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường đồng thời phát huy được các thế mạnh vốn có của Trường Đại học Ngoại thương.